Ngày 19/12/2019, tập đoàn PTC chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm thiết kế trong ngành cơ khí công bố chỉ định Công ty Cổ phần Phân phối Vietnet trở thành nhà phân phối giá trị gia tăng của hãng tại thị trường Việt Nam.
Công ty công nghệ PTC (NASDAQ: PTC) chuyên cung cấp các giải pháp đổi mới trong lĩnh vực công nghiệp vừa công bố thay đổi mô hình phân phối tại thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu mở rộng kênh bán hàng và quảng bá thông qua đối tác nhà phân phối giá trị gia tăng.
Thông qua buổi công bố hợp tác chiến lược với công ty phân phối công nghệ Vietnet – hãng cung cấp các giải pháp đổi mới trong lĩnh vực công nghiệp PTC (Prametric Technology, Corp) cho biết chính thức thay đổi mô hình phân phối tại thị trường Việt Nam từ tháng 12.2019. Thay vì bán hàng trực tiếp như trước, công ty chuyển sang hình thức phân phối thông qua một đại diện tại Việt Nam là Vietnet.
Theo đó, Vietnet sẽ phân phối các sản phẩm của PTC gồm: Creo, Windchill, Nền tảng IoT và ThingWorx, và công cụ phát triển Thực tế ảo tăng cường Vuforia ® Studio. Ngoài việc phân phối các sản phẩm này, Vietnet còn phụ trách phần xây dựng hệ sinh thái về sản phẩm, tư vấn, hướng dẫn sử dụng, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các đối tác, khách hàng.
Chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Jay Hou – phó chủ tịch PTC cho biết, cách làm mới này được PTC gọi là “chương trình 2.0” trong việc phát triển kênh đại lý. “Ngày càng nhiều công ty lớn toàn cầu dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các giải pháp phần mềm của PTC. Việc hợp tác với một đối tác uy tín trên thị trường sẽ giúp chúng tôi mở rộng mạng lưới thị phần, hệ thống bán hàng và mang đến nhiều giá trị hơn cho các khách hàng hiện hữu cũng như những khách hàng tiềm năng đang chuyển dịch sang Việt Nam,” ông Jay Hou nói.
Hiện có khoảng 10 đại lý cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, PTC kỳ vọng nâng lên mức 3 chữ số và đạt doanh thu vài triệu đô-la Mỹ mỗi năm, nhắm vào các lĩnh vực hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, điện – điện tử và công nghệ cao.
Là nhà phân phối giá trị gia tăng cho PTC, đại diện Vietnet cho biết đây là định hướng chung của nhiều hãng công nghệ toàn cầu. Vai trò nhà phân phối là hỗ trợ các nhà bán lẻ bên dưới mang đến nhiều giá trị gia tăng cho cộng đồng, như xây dựng hệ sinh thái sản phẩm – dịch vụ, hỗ trợ bán hàng, đào tạo, hướng dẫn sử dụng và chuyển giao công nghệ.
Với thỏa thuận hợp tác đối tác lần này, Vietnet sẽ phân phối các sản phẩm của PTC gồm phần mềm công nghệ CAD Creo, nền tảng phát triển và thiết kế các ứng dụng IoT ThingWorx, công cụ phát triển thực tế ảo tăng cường (AR) Vuforia Studio, công cụ giao tiếp sử dụng thực tế ảo tăng cường Vuforia Chalk và phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm Windchill.
Ông Manfred Tan, giám đốc quản lý kênh phân phối của PTC khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn so với các nước khác trong khu vực dựa trên đánh giá về tăng trưởng GDP cũng như chi phí nhân công.
Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 2019 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới với mức tăng GDP ước 6,8%, cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Báo cáo về mức lương công nhân sản xuất năm 2018 của Trading Economics cũng cho thấy, với 237 USD/tháng, mức lương nhân công sản xuất tại Việt Nam chỉ bằng 25% mức ở Malaysia và bằng khoảng 50% so với công nhân ở Thái Lan.
Thu hút FDI kéo theo giá trị sản phẩm máy móc, phụ tùng xuất khẩu khiến Việt Nam là thị trường tiềm năng của PTC. Nếu như nửa đầu năm 2019 Việt Nam có tổng cộng hơn 1.700 dự án FDI được cấp phép mới thì lĩnh vực chế biến và chế tạo đã thu hút đến 605 dự án. Ngành này chứng kiến sự gia tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2018, với tổng số vốn FDI thu hút đạt 13,15 tỉ USD, chiếm 71,2% trong tổng vốn FDI.
PTC là một trong những công ty công nghệ phần mềm công nghiệp phát triển nhanh nhất thế giới, đang cung cấp giải pháp cho hơn 28.000 doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sản xuất và phân phối trên toàn cầu. Thị trường Việt Nam biết đến PTC thông qua phần mềm thiết kế PTC Creo được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp.
ThingWorx là một nền tảng dễ dàng để phát triển và thiết kế các ứng dụng IoT. Các ứng dụng IoT có thể được phát triển nhanh hơn 10 lần so với các công cụ và cơ sở dữ liệu BI truyền thống, cho phép tương tác hai chiều với các thiết bị và hệ thống bên ngoài vốn đang được tích hợp các công nghệ cũ, qua đó, giúp doanh nghiệp thay đổi và mở rộng dễ dàng.
Vuforia Studio là một công cụ phát triển AR (thực tế ảo tăng cường) mạnh mẽ, dễ sử dụng để nhanh chóng tạo ra trải nghiệm AR (thực tế ảo tăng cường) khác biệt hoàn toàn với những đối thủ cạnh tranh. Bằng việc sử dụng dữ liệu 3D và thông tin cảm biến phong phú thu được từ ThingWorx, Vuforia Studio có thể cung cấp trải nghiệm thực tế ảo tăng cường trực quan và hấp dẫn nhằm cải thiện hiệu quả công nghệ, sản xuất sản phẩm tốt hơn, bảo đảm an toàn cho công nhân và tăng hiệu quả bán hàng.
Vuforia Chalk là một công cụ giao tiếp sử dụng AR. Người dùng có thể vừa nói chuyện vừa chia sẻ màn hình bằng camera và viết lên chính màn hình đó. Một chuyên gia có thể truyền đạt ý định của họ và đưa ra những hướng dẫn chính xác cho người xem trong những tình huống khó giao tiếp bằng lời nói hoặc ở những nội dung khó thể hiện bằng video.
Với giải pháp Windchill, dữ liệu sản phẩm có thể được gửi nhanh chóng đến những người cần nó. Người dùng có thể hợp nhất dữ liệu từ các chi nhánh của doanh nghiệp hoặc truyền dữ liệu đến các chi nhánh khác nhau. Truy cập nhanh vào thông tin cho phép các đội nhóm làm việc nhanh hơn, giảm thời gian tiếp cận thị trường, giảm chi phí và dành nhiều thời gian hơn cho công việc nghiên cứu và phát triển.
tham khảo từ nguồn forbesvietnam.